Tiền truyện côn sơn ngọc - Chương 2
Đọc truyện Tiền truyện côn sơn ngọc Chương 2 full miễn phí tại ngontinhhay.com.. Cùng tham gia Group của đọc truyện Ngôn Tình Hay trên Facebook, để cập nhật truyện nhanh nhất!
Đêm đã khuya. Đoan Ngọ đang say giấc thì bị tiếng thả neo đánh thức.
Trong khoang thuyền nóng nực, chật chội, có rất nhiều nô lệ nam nữ, tất cả dùng chung một cái bồn cầu, vì vậy trong phòng có mùi ẩm mốc và hôi thối. Để phòng ngừa có người tự sát hoặc chạy trốn, chỉ có vài cửa sổ thông gió, mà số lần những cửa này được mở ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu như nô lệ chỉ được ăn thức ăn dành cho lợn, giống như tù nhân, không được phép nhìn thấy ánh nắng mặt trời, chứ đừng nói gì đến ánh trăng.
Đoan Ngọ ngồi dậy, cử động tay chân đau nhức vì ngủ trong tư thế o ép. Hai mươi ngày đã trôi qua kể từ khi nàng bị đưa lên con thuyền chở nô lệ này, cộng cả số ngày thuyền neo đậu ở năm nơi. Mỗi lần đến một bến cảng có nghĩa là một vài người trong khoang thuyền sẽ phải rời đi, ngoài ra lại thêm một vài người mới vào.
Bà lão có đôi mắt đã đục ngầu là một nữ đầu bếp, sớm đã bị người ta mua. Đoan Ngọ không nói chuyện với những nô lệ khác, mà họ cũng chẳng có tâm sức mà tiếp chuyện với nàng. Lúc nào nàng cũng cúi đầu, giả bộ buồn bã, chán chường vì số phận xui xẻo. Không có ai chú ý đến nàng, điều này vừa hay giúp nàng có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức, tĩnh tâm nghĩ biện pháp đối phó.
Đoan Ngọ dỏng tay nghe động tĩnh. Thầm nghĩ: Sau khi thuyền cập bờ, người ta sẽ mở cửa sổ chứ? Nàng lặng lẽ bò qua đám người, nằm xuống dưới cửa sổ chờ đợi.
Quả nhiên có người lập tức tháo tấm chắn cửa sổ xuống. Đoan Ngọ hít một hơi thật sâu, mở to hai mắt. Mặc dù thế giới của nàng còn không to bằng của một con chuột, nhưng nàng cũng hiểu ra một số quy luật của người trên thuyền này.
Qua khe cửa sổ, nàng nhìn những chiếc thuyền đánh cá trên bờ, ánh đèn đỏ tỏa ra từ các quán rượu. Trên bến tàu có gã say rượu hét lên: “Gia gia, nếu đã tới cảng Thứ Đồng rồi thì…”
À, thì ra đây là Thứ Đồng? Đoan Ngọ hưng phấn cười toe toét, nàng nắm lấy bệ cửa sổ, lẩm bẩm: “Tới! Ta tới đây!”
Thứ Đồng còn có một tên gọi khác là Tuyền Châu, ở thời đại này nổi tiếng với con đường tơ lụa trên biển, cùng với cảng Alexander của Ai Cập, được xếp vào hạng tốt nhất thế giới. Lúc Đoan Ngọ còn ở Liêm Châu, đã từng nghe Bát nương tử miêu tả về phủ thành này nhiều lần: Là nơi tụ tập của nhiều khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới, nhà cửa sạch sẽ, người dân an nhàn, có nhiều cửa hàng châu báu, các thương nhân ở đây sẵn sàng bỏ tiền thuê phụ nữ đến giám định châu ngọc… Có thể nói là nơi ở trong mơ của Đoan Ngọ.
Tiếng khóc của trẻ sơ sinh làm gián đoạn suy nghĩ của Đoan Ngọ. Mẫu thân của nó là một thiếu phụ xinh đẹp, đang cố cho con bú nhưng đứa bé lại cố nhổ ra. Thiếu phụ kia da mặt mỏng, vì phải cởi trước mặt mọi người nên mặt đỏ cả lên.
Đoan Ngọ phát ra âm thanh “Ăn chút đi”, gọi thiếu phụ kia lại nói: “Đến đây, ta nhường chỗ cho tỷ.”
Thiếu phụ luôn miệng nói cảm ơn, mở lòng với Đoan Ngọ. Đứa bé như sống lại, bắt đầu há miệng bú sữa.
Đôi mắt của Đoan Ngọ giống như những hạt nho đen, nàng tò mò chạm vào mũi em bé.
“Em bé còn nhỏ quá.” Nàng lập tức thu tay lại.
“Mới được năm tháng, nếu không phải trượng phu ta chết vì bệnh lao, tiểu thúc thua bạc, nó sẽ không phải theo ta chịu khổ thế này.” Thiếu phụ cay đắng nói.
Đoan Ngọ ngây ngô nhìn thiếu phụ đang vuốt ve mái tóc của đứa bé. Nếu như nàng có thể ở bên mẹ, khéo làm một nô lệ cũng vẫn còn hy vọng, nàng không khỏi tiếc nuối nghĩ. Nhưng mẹ nàng ở đâu được chứ? Nàng không có lấy nổi một người thân để thương yêu.
Thiếu phụ nói: “Ta sợ người mua ta không muốn mua cả đứa bé. Ta thà chết chứ không muốn xa con.”
Đoan Ngọ vừa mở miệng định nói thì một thiếu niên đẩy cửa ra. Ở trên thuyền này hắn ta rất có máu mặt, Đoan Ngọ từng nghe có người gọi hắn ta là “A Thường”.
A Thường liếc nhìn mọi người: “Tất cả phụ nữ ra ăn cháo, ăn xong thì rửa mặt xúc miệng.”
Thiếu phụ không hiểu: “Tất cả phụ nữ?”
Tim Đoan Ngọ đập thình thịch, nàng biết ngày mai nàng sẽ phải ra ngoài “chào hàng”. Khi đến bến cảng lớn, phụ nữ là đối tượng có thể bán được giá cao. Nữ đầu bếp là người hiểu biết rộng rãi, đã đổi chủ nhiều lần. Trước khi bà ấy rời đi, đã nói về chuyện buôn bán nô lệ cho nàng nghe nhiều lần.
Người mua nô lệ đều sẽ nhìn vào răng. Ngoài ra, đối với nữ nô lệ, làn da còn quan trọng hơn khuôn mặt. Rồi sau đó, tính tình, kỹ năng đều là những thứ có thể bồi dưỡng thêm…
Nàng hòa vào dòng người ra khỏi khoang thuyền, A Thường ra lệnh cho người dùng xích sắt trói các nàng vào boong. Mỗi người được phát cho một bát cháo đường và một chiếc khăn lau bằng vải lanh thô. Đoan Ngọ quan sát tứ phía, từ từ ăn hết một nửa. Thừa dịp có một nữ nô lệ đứng dậy, nàng lảo đảo, giả vờ bị vướng vào gấu áo của người nọ, cháo ấm đổ lên tay, lên đùi nàng.
A Thường mắng: “Ngu xuẩn! Mau đi rửa đi.”
Đoan Ngọ chậm rãi đi đến bên mạn thuyền, A Thường ở phía sau, theo dõi động tác của nàng.
Nàng làm ướt một góc khăn, lau lên mặt. Sau đó dùng phần khăn còn khô, giả vờ “lau” tay chân.
A Thường giục: “Này, ngươi…”
Đoan Ngọ mở to đôi mắt vô tội nhìn hắn ta, A Thường không hiểu sao lại nuốt câu kia xuống.
Khi các nữ nô lệ trở lại khoang thuyền, A Thường mới hỏi: “Cô bé kia là người được gia cứu từ Đoan Vọng Trì về đúng không?”
Người khác đáp: “Không phải nàng ta thì là ai? Mắt to lại long lanh như vậy, sao gia lại bán nàng ta đi sớm thế?”
A Thường ngẩn người: “… Gia làm ăn buôn bán, tự khắc có tính toán riêng.”
Đoan Ngọ ngủ say trong góc, lặng lẽ cởi xiêm áo, vén tay áo lên, để lộ cánh tay và bắp chân dính đầy cháo đường.
Nàng nhắm mắt lại, không lâu sau bắt đầu thấy ngứa ngáy, nàng nghĩ: Lũ côn trùng trong khoang này hẳn cũng đói rồi, ăn đi ăn đi nào…
Nàng chịu đựng rất lâu, sau đó gãi mạnh những chố ngứa rồi ngủ thiếp đi.
Trời vừa sáng, A Thường mở khoang dẫn người đi. Đoan Ngọ thì đang bắt những con trùng cỏ bò dọc theo khoang thuyền.
Trùng cỏ giống như loài rết nhỏ, thân có nhiều khớp, thường gặp ở những vùng có khí hậu nóng.
Đoan Ngọ đã sớm phát hiện trên thuyền có rất nhiều. Sau khi bắt được một ít, nàng hài lòng mỉm cười, gói chiến lợi phẩm vào khăn tay. Đoan Ngọ và những người khác được đưa lên bờ, đi vào một cái lều vải. Quả nhiên người mua đã đợi sẵn trong đó.
Có hai kiểu bán nô lệ, một là đấu giá, hai là xem hàng trực tiếp, thương lượng giá tiền rồi bán.
Hầu hết các nô lệ đều ngượng ngùng, được hỏi mới mở miệng nói. Nhưng Đoan Ngọ thấy người mua thì lại ngoác mồm cười, hàm răng tích cực nhe ra.
Trên đời này, không phải ai cũng xinh đẹp, quyến rũ ngay cả khi nhe toàn bộ số răng.
Hầu hết người mua thấy diện mạo kia đều do dự. Nhưng thấy nàng còn trẻ, đôi mắt lại vừa to vừa đen, rất nổi bật, thế là vẫn có người không sợ chết mà hỏi giá.
Theo quy định, nô lệ phải được kiểm tra răng và làn da trước khi đến. Thiếu phụ ôm con có làn da mịn màng nhẵn nhụi nên được một người mua “tốt bụng” mua về, được như ý nguyện mang theo con trai đi cùng. Đoan Ngọ vẫy tay với nàng ấy, không quan tâm người mua đang nhìn tay chân nàng.
Đoan Ngọ biết: Một cô nương dù có khuôn mặt xinh đẹp đến đâu mà da xấu cũng không hợp khẩu vị của mấy tên háo sắc. Đêm qua, nàng bị côn trùng cắn, hơn nữa nàng còn gãi lấy gãi để. Trên làn da bóng loáng xuất hiện rất nhiều vết mẩn ngứa và những chấm đỏ li ti. Tất cả những người đó đều lắc đầu, có người còn tức giận: “Nha đầu này có bệnh ngoài da mà còn muốn bán cho ta làm thiếp?”
Người trên thuyền đuối lý, Đoan Ngọ thì mừng thầm. Trên mặt bày ra vẻ buồn bã, tủi thân vì “Ta không bán được”.
Có một nam nhân tuổi trung niên không chịu lùi bước, vuốt bộ râu dài, nói: “Đây không phải bệnh gì cả, bị côn trùng cắn thôi.”
Hóa ra người có “tình yêu duy nhất” với nàng là một thầy lang.
Nàng ngồi xổm xuống, tham gia trả giá với thầy lang và người trên thuyền, nàng mở chiếu khăn vải trong tay áo ra, nghịch mấy con trùng cỏ.
Một lát sau, người nọ đi tới: “Ta hỏi ngươi…, ngươi bắt mấy con rết này làm gì?”
Đoan Ngọ chớp mắt, thấp giọng nói: “Chúng là bạn tốt của ta đó. Từ nhỏ ta đã không thích hoa cỏ, chỉ thích những thứ này. Lão gia, nhà ngài có rết không, ở mép giường có sâu róm không?” Sắc mặt người kia chợt biến, chạy còn nhanh hơn thỏ.
Đoan Ngọ đang bận nới lỏng khăn tay, thả mấy con côn trùng ra. Nàng nói với người trên thuyền: “Ta chỉ nói là giá không được quá thấp, ai ngờ hắn ta lại nổi giận!”
Sau sự việc lần này, Đoan Ngọ và một lão thái bà có bệnh trong người trở lại thuyền.
Nàng lau mồ hôi, gãi cánh tay đang ngứa lên râm ran.
A Thường đột nhiên mở cửa, Đoan Ngọ còn tưởng hắn ta đến để trừng phạt nàng. Nhưng hắn ta quan sát nàng từ trên xuống dưới, giọng điệu cũng không gay gắt: “Trên thuyền có khách quý, thiếu người chạy việc, ngươi đến dọn dẹp khoang thuyền đi.”
Đoan Ngọ đã hạ quyết tâm chạy trốn ở vùng Tuyền Châu này. Mỗi lần buôn bán nô lệ, thuyền đều sẽ ở lại cảng hai ba ngày. Ban ngày không chạy được, chỉ có ban đêm, việc này không thể trì hoãn nữa, không ngày mai thì ngày mốt là đi rồi… Nàng quan sát địa hình trên bờ, đang định đi khám phá con thuyền.
Công việc mà A Thường giao cho chính xác là những gì nàng muốn. Nàng cầm giẻ lau và một chậu nước, bắt đầu đi lau dọn.
Lúc này có thể rất nhiều người đã lên bờ tìm chỗ chơi, nam nô lệ vừa say sóng vừa đói bụng, nên cũng chẳng thấy một ai.
Sau khi A Thường bưng trà lên tầng, Đoan Ngọ bèn đi từ phòng này sang phòng khác. Trong bếp có vài con dao, nhưng Đoan Ngọ cân nhắc một lát thì không động tới. Nàng rút một khúc củi từ đáy bếp ra, mài sắc rồi bọc vào tay áo. Sau đó lại lau dao, bỏ mùn cưa vào lửa. Nàng nhặt lấy hai cái bánh bao hấp chín để vào ngực. Có tiếng bước chân, nàng chạy ra khỏi bếp, lau tay nắm cửa.
Phía trên có người đang đứng trên boong tàu. Một giọng nói già nua vang lên: “…Thành Hòa Điền lắm sự rối ren, hai băng đảng ở núi Côn Lôn còn hung hãn. Chỉ tính riêng trong năm nay đã có mấy thương nhân vì mỹ ngọc mà mất mạng. Cháu cần suy kỹ trước khi hành động.”
Một thanh niên trả lời: “Cháu đã nghĩ kỹ rồi. Cháu phải đi.” Một giọng nói ưu mỹ, trong trẻo, nghe như tiếng mưa xuân trên núi vang lên.
“Cháu tưởng thúc không biết sao? Cháu đi không phải vì mỹ ngọc mà là vì chuyện đó… Ba năm rồi, cháu vẫn chưa buông xuống được…”
Thanh niên kia đáp lại: “Cháu không quên được. Cháu phải đi.”
“Haiz, ca ca tẩu tẩu chỉ có một đứa con trai là cháu, năm đó sau khi đưa cháu về nhà, hết mực yêu thương. Cháu còn trẻ như vậy… Nếu trên đời không còn một Yến Tử Kinh, chẳng phải quá đáng tiếc sao?”
Đoan Ngọ ngạc nhiên, người này chính là tên “ôn thần” đáng ghét Yến Tử Kinh? Hừ! Chất giọng hay như vậy, đúng là lãng phí.
Yến Tử Kinh nói: “Thúc không cần lấy làm đáng tiếc. Trang Tử đã nói: “Thọ tắc đa nhục” (1). Nếu cháu có thể giải quyết món nợ cũ, ở cái tuổi này có thể nhắm mắt tạ thế cũng là một điều may mắn.”
Đoan Ngọ thầm nói trong lòng: Người tốt không sống lâu. Loại nam nhân này, ắt phải sống lâu trăm tuổi để hại người.
“Tử Kinh à Tử Kinh…” Ông lão thở dài, âm thanh nhỏ dần đi cho đến khi không còn nghe thấy nữa.
Boong tàu khẽ rung lắc, cầu thang kêu cọt kẹt. Đoan Ngọ bò sang một bên, cụp mắt xuống chờ hai người họ xuống thuyền.
Chiếc cẩm bào có hình chữ “phúc” khẽ lay động, sau đó dừng lại trước mặt nàng, lát sau mới nặng nề rời đi.
Tiếp đó, một tà áo trắng bị thổi bay tới trước mắt nàng, và rồi cũng nghênh ngang mà đi.
Đoan Ngọ ngửa mặt lên, không ngờ bóng lưng của một tên buôn người lại thanh thoát nhẹ nhàng như vầng trăng sáng trong tiết trời sương giá như vậy.
Mùa hè ở Tuyền Châu tuy không nóng gắt như ở Liêm Châu nhưng vẫn có thể khiến người bình thường nóng cháy da. Vì vậy nam nhân thường sẽ ăn mặc giản dị cho nhẹ người.
Nhưng toàn thân Yến Tử Kinh vẫn giống như lần đầu Đoan Ngọ gặp, nghiêm chỉnh quy củ, không có lấy một chút qua loa.
Đoan Ngọ cảm thấy người này hơi buồn cười. Sau khi cứu được nàng, hắn lại không tim không phổi coi nàng như hàng hóa mà bán… Nhưng dù có buồn cười nàng cũng không kéo khóe miệng lên được.
Nàng lau xong tầng dưới, bắt đầu lau đến tầng trên, nhiều người hầu đã quay lại thuyền, bao ánh mắt ngó chừng.
Lúc này muốn chạy cũng không có cửa. Đoan Ngọ không muốn nghĩ nhiều, tiến vào khoang thuyền lớn nhất.
Khoang này so với khoang của nô lệ thì khác một trời một vực. Không nhiễm một hạt bụi, tràn ngập hương thơm của cỏ huyên.
Thảm ngà voi, chặn giấy pha lê, bàn tính bằng ngọc thạch anh, cốc sứ mỏng, tất cả đều toát ra hơi thở mát lạnh, sảng khoái.
Trên giường đặt mấy cuốn sổ thu chi và một cây bút. Đầu giường bày một chậu lan đỏ kỳ lạ, trông vô cùng bắt mắt.
Đoan Ngọ đi loanh quanh khu vực phía sau bức màn, bên trong có một chiếc bàn lớn bày một bức tượng người của Thần biển và Thiên phi nương nương có kích thước tương đương người thật.
Trước mặt Thiên phi có một đĩa đào lớn, một quả đào đã bị tàn hương bám vào, hình như bị thối mất một ít. Đoan Ngọ nhiều ngày không được ăn trái cây… Nàng nghĩ một lát, sau đó dùng tay lau đi tàn hương bên trên, mặc kệ đào có bị thối hay không, vẫn cho vào mồm.
Nàng ném hột đào vào phía sau bàn thờ của Thiên phi, sau đó xếp lại đào trên đĩa, nhìn ngang ngó dọc thấy không để lại sơ hở gì mới hài lòng.
Nàng đang định rời đi thì bỗng cảm thấy cánh tay và đùi ngứa ngáy, đỏ ửng lên. Đoan Ngọ lắng nghe âm thanh xung quanh, lá gan càng lớn.
Liệu trong phòng của Yến Tử Kinh có dầu khuynh diệp hay dầu sả trị muỗi đốt không? Chỉ cần bôi một ít lên là được.
Nàng rón rén như một con mèo, nhưng không thu hoạch được gì. Yến Tử Kinh lúc nào cũng quấn chặt như “vải liệm thi”, cần gì mấy thứ kia. Nghĩ đến đây, nàng quay chân ra ngoài.
Tiếng báo cáo của A Thường vang lên ngoài cửa: “Gia, hắn đến rồi.”
Đoan Ngọ giật mình trốn sau rèm. Cách một tấm vải mỏng, mơ hồ có thể thấy nam nhân mặc y phục màu trắng đi vào, ngồi ở mép giường.
Có người tiến vào: “Gia, tiểu tử kia quay về rồi.”
Yến Tử Kinh hỏi bằng giọng điệu gấp gáp: “Có gặp hắn không?”
“Không có. Uất Trì công tử không có ở thành Hòa Điền, nhưng hắn đã để lại thư của gia. Ngoài ra, ta còn hỏi thăm được một số tin tức quan trọng…”
Người nọ xít lại gần Yến Tử Kinh, câu cuối nói hơi to: “… Tiểu tử kia đến, tự mình mua năm nữ tử đạt yêu cầu. Các nàng đều đã được nghiệm thân, tất cả là xử nữ.”
Yến Tử Kinh trầm ngâm không nói gì.
Đoan Ngọ nghĩ: Mấy người này định làm chuyện gì tổn hại âm tiết vậy? Nhưng thôi mặc kệ, phải chạy đã.
Người đưa tin không nói dông dài, báo cáo xong thì rời đi. Yến Tử Kinh ngồi im lặng hồi lâu, cuối cùng đưa tay ra, giống như muốn vuốt ve chậu lan đỏ. Bóng dáng của hắn nổi bật dưới ánh trăng mờ, chắc chắn là được ông trời ưu ái. Nhưng đối với Đoan Ngọ, bóng hắn chẳng khác gì bóng ma.
Yến Tử Kinh hơi dừng tay lại, như thể đang lắng nghe gì đó. Đoan Ngọ không dám thở ra, cả người ướt đẫm mồ hôi.
À, nàng cũng nghe thấy, là một con chim tước đang bay bên ngoài khoang thuyền.
Cũng may, lúc này A Thường xuất hiện kịp thời: “Gia, nước tắm đã chuẩn bị xong.”
Đương nhiên là Yến Tử Kinh không tắm ở phòng này, hắn cất bước rời khỏi.
“Gia, lần này khi nào thì nhổ neo?”
Giọng nói của Yến Tử Kinh rất rõ ràng: “Tối mai ta muốn ở một mình. Có lẽ ngày mốt đi.”
Đoan Ngọ ở lại thêm một lúc, sau đó chạy khỏi “hang quỷ”.
Năm phản lão hoàn nữ trong truyền thuyết cũng không ở cùng chỗ với Đoan Ngọ.
Đoan Ngọ một lòng muốn chạy thoát, không quan tâm được nhiều việc nữa. Nàng ngày đêm suy nghĩ đến tình huống trên thuyền, lập ra một kế hoạch. Chỉ còn hôm nay và ngày mai là nàng còn ở Tuyền Châu, nhất định không được bỏ lỡ cơ hội… Cho dù chỉ có một nửa cơ hội thì so với chờ chết vẫn tốt hơn, trước đây nàng đã từng thử tìm đến cái chết rồi, nên nàng biết.
Trong khoang thuyền, mỗi ngày cần một nữ nô lệ đi cọ rửa bồn cầu. Bởi vì nguyên nhân kia, Đoan Ngọ xung phong nhận việc.
Hoàng hôn buông xuống, Đoan Ngọ chật vật khiêng thùng phân ra sau thuyền. Đang đi thì nghe thấy tiếng Yến Tử Kinh hô lớn, lên bờ đi.
Hai lính canh đang tranh luận xem kỹ nữ ở Tuyền Châu hay Quảng Châu tốt hơn.
Một tiếng “ùm” vang lên, cả hai đều chết lặng.
Một tên nói: “Cô bé kia sao thế? Bị ngã à?”
Một tên khác phản ứng rất nhanh: “Ui… cứ để mặc nàng ta đi.”
Nơi đổ phân có mùi hôi thối nồng nặc. Khi xuống nước khó có thể nín thở. Nên họ kết luận nếu cô nương kia còn sống, chắc chắn sẽ ngoi lên mặt nước ngay lập tức.
Hai người cùng la hét om sòm, đợi được đến khi thùng phân nổi lên nhưng không thấy cô nương nào xuất hiện.
Màn đêm buông xuống, bến tàu chỉ còn vài ánh đèn le lói.
Mọi người trên thuyền đều hoảng hốt, có người cho rằng Đoan Ngọ tự sát, cũng có người cho rằng nàng có thần công.
Thật ra, lúc này Đoan Ngọ đang núp phía sau bàn thờ ở phòng Yến Tử Kinh.
Nàng ngồi đằng trước chắn mất tượng Thần biển, ngồi đúng tư thế với bức tượng. Nhìn qua tấm màn che, còn tưởng rằng đó là Thiên phi nương nương.
Đoan Ngọ cố tình khiến người ta nghĩ rằng nàng đã ra đi theo thùng phân, nhưng thực ra lúc đó nàng chỉ ném thùng phân xuống, sau đó trốn trong góc tối ở đuôi thuyền.
Nhân lúc hai người kia đang hoảng loạn thì chuồn êm.
Trong toàn bộ con tàu, chỉ có phòng của Yến Tử Kinh là tỏa ra khí thế không phận sự miễn vào. Nhìn thoáng qua chưa chắc đã nhận ra người trên bàn thờ là Đoan Ngọ.
Nàng sợ hãi nhưng cũng đắc ý, toàn thân nóng bừng, nước miếng cũng không nuốt trôi. Nàng không ngừng tự an ủi bản thân: Đã đánh cược thì phải liều mạng thôi, còn có thể làm gì nữa? Sau một hồi hỗn loạn, con thuyền dần trở nên yên tĩnh, có lẽ cũng có nhiều người lên bờ tìm nàng.
Đoan Ngọ lần mò, lo lắng bước xuống bàn, chuẩn bị làm theo đường đi nước bước đã vạch sẵn, tìm cơ hội lặn xuống nước.
Nàng vừa kéo rèm lên, đèn đuốc chợt sáng choang. Lúc này con thuyền đã rời khỏi bờ biển Tuyền Châu.
Một thanh niên ngồi ở mép giường. Không biết là đang tham thiền hay ngộ đạo, mà hai mắt nhắm lại.
Đoan Ngọ “a” lên một tiếng họt lỏn. Lúc nàng bước vào đây, hoàn toàn không phát hiện ra hắn.Hắn chắc chắn không phải người, là quỷ đó hả? Không, cổ tay áo, rồi cổ áo đều kín mít, y phục trắng tinh, mũ đội đầu đen kịt, là Yến Tử Kinh chứ ai!
Đây là lần đầu tiên nàng nhìn rõ khuôn mặt của nam nhân này, từ đầu đến chân không khỏi run lên một cái.
Hắn nhiều lắm cũng chỉ chừng hai mươi, nét mặt góc cạnh, sống mũi anh tuấn, tài không đợi tuổi nên thiếu đi mấy phần non nớt của tuổi trẻ, những đường nét cao ngạo của tuổi thiếu niên không còn cứng ngắc mà giòn tan vỡ vụn như băng tháng ba, chờ dòng xuân thủy chảy qua tự nhiên sẽ tan đi. Có lẽ xuất thân từ vùng tuyết sâu núi thẳm, nên làn da hắn trắng ngần, có thể nói là trắng sáng như trăng. Đôi lông mày đẹp như tranh vẽ, khuôn mặt dài, không chỉ anh tuấn mà còn mang một phong thái đặc biệt không nói rõ được. Nhưng, hắn đột nhiên xuất hiện dưới ánh đèn, đôi mắt nhắm nghiền, sâu không lường được, tỏa ra khí lạnh khiến Đoan Ngọ cảm thấy thật quỷ dị.
“Ngươi là nô lệ, hà cớ gì vẫn chưa chịu từ bỏ ý định?” Hắn nói.
A Thường dẫn người đến tầng hai của boong tàu.
Biết mình bị phát giác, Đoan Ngọ cười nhạt: “Ta là nô lệ? Nô lệ của ai kia? Ngươi mua ta ở đâu, có khế ước bán thân không?”
Yến Tử Kinh không mở mắt: “Mạng của ngươi, ta có nên trả lại cho phường Mò Ngọc ở Liêm Châu không?”
Đoan Ngọ sửng sốt, xem ra Yến Tử Kinh đã sớm biết lai lịch của nàng.
Nàng dứt khoát lùi lại vài bước, chọn quả đào to nhất, ngon nhất trên đĩa cúng Thiên phi, bắt đầu ăn.
Ăn xong, nàng mới nói: “Ta không phải nô lệ của ngươi. Nếu đã rời khỏi địa phận Liêm Châu, ta có quyền lựa chọn đường đi cho mình.”
Yến Tử Kinh im lặng hồi lâu, sau đó mới nhếch đôi môi mỏng lên: “Muốn được tự do à? Được thôi, lập tức nhảy khỏi thuyền của ta!”
Đoan Ngọ nghĩ, bây giờ nói lời này còn nghĩa lý gì nữa không? Thuyền đã cách cảng cả vạn dặm, đi sâu vào biển rồi.
Yến Tử Kinh giống như người mù, sờ lên bút, gõ mấy cái trên bàn.
A Thường nói: “Gia, ngoài khơi Tuyền Châu có cá mập, chúng ta thực sự đẩy nàng ta xuống sao? Thế thì lỗ mất?”
Đoan Ngọ không nhịn được nói: “Ngươi đã sớm biết ta muốn chạy trốn, sao còn trêu đùa ta? Ngươi cũng đâu phải người mù, cố làm ra vẻ cái gì?”
Yến Tử Kinh không quan tâm.
Hai đại hán đi tới xách Đoan Ngọ lên lan can tàu. A Thường nháy mắt, lúc này mấy người bắt đầu giằng co.
Yến Tử Kinh ở bên trong hỏi: “Còn chưa ra tay đi?”
Đoan Ngọ đánh liều nói: “Ta xuống, lập tức xuống. Không cần các ngươi đẩy, tự ta làm!”
Nàng hít một hơi thật sâu, nhảy từ lan can xuống biển.
Mới đầu nàng cảm thấy vô cùng sảng khoái, nhưng lúc quay đầu lại thì không thấy bờ đâu.
Chẳng những không có bờ mà còn không có thuyền bè nào khác. Con thuyền màu đỏ chở nô lệ của Yến Tử Kinh đang chậm rãi hướng về phía bắc.
Đoan Ngọ từ nhỏ đã biết bơi, nhưng nàng không hiểu gì về hải vực Tuyền Châu. Nước biển tuy ấm hơn Yến Tử Kinh một chút nhưng vẫn khiến nàng lạnh buốt. Nàng tự xem xét thể lực của mình, cho dù không có cá mập, cũng khó chống chọi được qua một giờ.
Nàng đạp chân trong nước một hồi, chợt nhớ ngày xưa rất thích nói một câu với Tịch Tịch: “Hảo hán không sợ thiệt trước mắt, nữ tử tốt không quay lại với người cũ.”
Người xưa có câu: Miệng đầy đồ ăn thì ngon, nhưng miệng đầy lời thì khó nói. Thế nên lần này nàng chọn một vế, hảo hán không sợ thiệt trước mắt, nhưng là nữ tử tốt nàng sẽ quay lại.
Nàng chỉ quyết định trong tích tắc, nàng ngụp xuống, dùng hết sức đuổi theo con thuyền chở nô lệ.
Lúc nàng đuổi kịp đã có rất nhiều người đang chờ ở đuôi thuyền.
Nàng đặt mười ngón tay lên mạn thuyền, thở hổn hển, không nói nên lời.
Những người đó không dám cứu nàng, phải một lúc lâu sau, A Thường ở tầng hai mới nói: “Đưa nàng ta lên.”
Đoan Ngọ người đọng đầy nước, nhìn qua vô cùng chật vật, được kéo lên thuyền. Một người hầu rất nặng tay, kéo mái tóc dài của nàng đến dưới chân Yến Tử Kinh.
Da đầu Đoan Ngọ đau rát, mở miệng ra nhưng không nói được tiếng nào, chỉ có hơi thở yếu ớt thoát ra từ cổ họng.
Nàng hận những người này, hận cả Yến Tử Kinh, nàng muốn khóc, nhưng cả người chỉ toàn là nước, dù có khóc cũng không biết đâu là nước đâu là nước mắt.
Mí mắt Yến Tử Kinh mở hờ, nâng cằm nàng lên: “Ta mang ngươi đến Hòa Điền. Trước khi bán ngươi đi, thì ta chính là chủ nhân của ngươi.”
Đoan Ngọ cắn đầu lưỡi, phun ra một ngụm máu, nói: “Được!”
Đôi mắt Yến Tử Kinh đột nhiên sáng bừng lên.
Lúc hắn nhắm mắt lại, đẹp không tả nổi. Nhưng lúc này khuôn mặt hắn lại có một sức quyến rũ lạ thường.
Dù hắn là ai, bất kể trôi qua bao nhiêu năm, Đoan Ngọ vẫn nhớ đôi mắt của hắn lúc ấy.
Đó là một ngày nắng đẹp, trúc xanh mọc thành hàng, trong thung lũng sâu có một dòng suối mát lạnh.
Đó là một đêm thu yên tĩnh, lá đỏ rơi khắp núi, ngôi chùa cổ lưu lại chút ánh sáng tịch liêu.
Thứ ánh sáng đen trong suốt như pha lê, phản chiếu toàn bộ con người nàng – một nữ nô lệ hèn mọn, tham sống sợ chết.
Tim Đoan Ngọ đau nhói, cổ họng chảy máu.
Yến Tử Kinh chẳng qua chỉ là ảo ảnh. Những bông hoa anh túc ở vùng hoang dã phía nam, tuy lạnh lùng, cách xa trần thế nhưng lại chứa độc, và cuối cùng thứ độc ấy sẽ biến thành một màu đen.
Nàng suy nghĩ về ước định của nàng và Yến Tử Kinh, nhận ra không phải là không thể xoay chuyển. Hay nói cách khác có hai khả năng xảy ra.
Loại thứ nhất, nàng chết trước khi đến Hòa Điền.
Loại thứ hai, Yến Tử Kinh chết trước khi nàng được bán đi.
Đoan Ngọ chợt sáng mắt sáng lòng, ngộ ra chân lý.
Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở chỗ không đoán trước được điều gì. Chuyện tương lai, ai biết sẽ ra sao?
(1) Thọ tắc đa nhục: Trường thọ sẽ sẽ chịu nhiều khuất nhục.