Kiếm lai - phong hỏa hí chư hầu - Chương 249
- Home
- Kiếm lai - phong hỏa hí chư hầu
- Chương 249 - Muôn hoa khoe sắc nở rộ khắp nơi
Đọc truyện Kiếm lai – phong hỏa hí chư hầu Chương 249 full miễn phí tại ngontinhhay.com.. Cùng tham gia Group của đọc truyện Ngôn Tình Hay trên Facebook, để cập nhật truyện nhanh nhất!
Bến thuyền Trần Bình An muốn tới và bến thuyền đến nước Vân Tùng không nằm cùng một nơi. Sau khi trả mười đồng tiền tiểu tuyết, cầm một miếng thẻ bài bằng gỗ, trả lại con dấu của phủ đại đô đốc, Trần Bình An theo mấy chục người đi đến bến thuyền.
Bến thuyền lại là một hang động đá vôi dưới lòng đất, cửa hang rộng đến năm sáu trượng. Trên vách khắc đầy bút thích của tiên sư danh nhân các đời, phần lớn nét bút cứng cáp, chẳng hạn như “Ngư Lân tiên cảnh”, “Trong hồ năm tháng dài”, “Động tiên Dao Lâm”…
Sau khi vào hang lại rộng mở thông suốt, ánh sáng ngời ngời. Nhóm người từ từ đi xuống, sau một nén nhang đã tiến vào một phòng hang to lớn. Trên hai vách đá đông tây có vẽ hình tiên nữ bay lượn sống động như thật, tay áo rộng thướt tha, thần thái bay bổng. Có thể thấy rõ nét mặt của cô gái, hình dáng phần lớn đẫy đà, nhưng không gây cho người ta cảm giác mập mạp.
Bên bờ có một chiếc thuyền ba tầng đang đậu, đuôi thuyền điêu khắc đầu rồng đuôi rồng. Thuyền có kích thước to lớn, ngang ngửa với chiến thuyền vương triều, nhưng hình thức lại giống hệt như thuyền của thế tục. Ngoại trừ đám người Trần Bình An, đã có hơn ba trăm người nhốn nháo đang tụ tập ở đây.
Bến thuyền có đủ loại cửa tiệm buôn bán, phần lớn đều lung linh tinh xảo, không treo tấm biển hay câu đối, chỉ treo bảng chữ ngoài cửa tiệm. Chủ yếu là buôn bán tranh chữ, bánh ngọt và trái cây. Ngoài ra còn có một số đặc sản địa phương của nước Sơ Thủy và các nước xung quanh, chẳng hạn như thảm nhỏ của nước Thải Y, ly chọi gà, tranh chữ lá thông của nước Tùng Khê, lá du chạm trổ, la hán khắc gỗ của của nước Cổ Du…
Trước đó Trần Bình An đã trả mười đồng tiền tiểu tuyết, thuê một căn phòng phía bên hông tầng hai, dành cho một người ở. Thực ra tầng trệt chỉ cần ba đồng, cũng là ba ngàn lượng bạc. Tuy nói đây là bến thuyền tiên gia, hơn nữa lộ trình dài đằng đẵng, nhưng giá tiền này vẫn rất cao so với vương triều thế tục tiêu dùng khi đi xa. May mà Trần Bình An đã ngồi thuyền cá côn, không đến mức tinh thần căng thẳng. Mỗi ngày hắn đều phải luyện quyền đi thế, cho nên vẫn cần bỏ ra số tiền này, không thể tiết kiệm được.
Có một luyện khí sĩ ngồi trên ghế thái sư ở bục đá nhỏ bên bờ bến thuyền, tay cầm một ly trà trải đầy hoa văn chim ngói, đã uống nhiều hớp nhưng nước trà vẫn không thấy đáy. Hắn lớn giọng nhắc nhở mọi người, sau nửa canh giờ thuyền sẽ xuôi nam, trước khi lên thuyền hành khách có thể mua một ít đặc sản giá rẻ chất lượng tốt mang về quê nhà. Hắn còn nhắc đến thảm của nước Thải Y và cây cảnh của nước Sơn Lan, tâng bốc trắng trợn, đồng thời nói tên của hai cửa tiệm.
Quả nhiên có không ít hành khách động tâm, đi đến hai cửa tiệm này tiêu xài thỏa thích. Chuyện này khiến ông chủ những tiệm còn lại chỉ biết trừng mắt hoặc hâm mộ. Tiền có thể sai khiến quỷ thần mà, bọn họ không có tiền lo lót quan hệ nên đành chịu thôi.
Trần Bình An yên lặng đứng trong đám người, đột nhiên nhớ đến Lưu Cao Hoa con trai quận chủ Yên Chi, cùng với thư sinh yêu cây nước Cổ Du, còn có ly chọi gà mà bọn họ mang theo khi đó. Nghe nói ở nơi khác ly chọi gà có giá gấp mấy lần, cho nên hắn cũng chạy đi mua một cặp ly, tốn một đồng tiền tiểu tuyết. Hắn bỏ hộp gỗ hoàng dương có chứa ly sứ vào trong bọc, sau đó dùng vàng thật bạc trắng mua một bịch trái cây tươi ngon, xách trong tay.
Mặc dù số người rất nhiều, nhưng so với chợ búa châu quận huyên náo, bến thuyền tiên gia này vẫn an tĩnh hơn nhiều. Phần lớn là bạn bè tụ tập thì thầm, ít có người to tiếng. Một số trẻ con không kiềm chế được tính hoạt bát, cũng bị trưởng bối trong nhà dắt tay, kiên quyết không cho chúng chạy lung tung.
Dù sao đây cũng là nơi tụ tập du ngoạn của thần tiên trong truyền thuyết.
Trần Bình An yên lặng không nói gì, chỉ lấy bầu rượu xuống uống rượu, chờ thuyền xuất phát đến phía nam. Chuyến này ngồi thuyền xuôi nam hai mươi vạn dặm, xuống thuyền ở một bến, lại ngồi thuyền tiên gia khác chạy suốt đến thành Lão Long. Sau đó từ thành Lão Long vượt châu đến núi Đảo Huyền, tiến vào Kiếm Khí trường thành. Không còn cơ hội du lịch giang hồ với bằng hữu nữa, nếu muốn uống rượu cũng chỉ có thể uống một mình.
Thuyền sắp xuất phát, hành khách bắt đầu lục tục lên thuyền. Trần Bình An tìm được phòng của mình ở tầng hai. So với nhà chữ Thiên trên thuyền cá côn, nơi này rất chật chội nhỏ hẹp, chỉ đặt một chiếc giường, bên ngoài có một ban công nhỏ đủ cho hai người đứng.
Trần Bình An để bịch trái cây giá mười mấy lượng bạc xuống, tháo hộp kiếm và cái bọc, ngồi trên chiếc giường sạch sẽ thoải mái, bỗng dưng lại nhớ tới giường gỗ ở nhà tổ ngõ Nê Bình.
Hắn xắn tay áo và ống quần lên, trên cổ tay và cổ chân loáng thoáng lộ ra hình bùa chú, chân khí chậm rãi lưu chuyển, giống như có trói buộc vô hình. Bùa chú này thoạt nhìn không quá nổi bật, cũng không có ghi chép trong “Đan Thư Chân Tích” mà Lý Hi Thánh tặng. Đây là bút tích của lão Dương, có tên là “bùa chân khí tám lạng”.
Ông lão không nói kỹ, chỉ nói bùa này có thể giúp võ phu thuần túy lúc ngủ say, chân khí vẫn tự động vận chuyển rèn luyện thân thể. Hơn nữa chỉ cần Trần Bình An bước vào cảnh giới luyện khí, bốn lá bùa này sẽ tự tiêu tan. Còn nói nếu vẫn không thể phá vỡ giới hạn, sau khi tới thành Lão Long, Trần Bình An hãy đến tiệm thuốc Khôi Trần tìm Trịnh Đại Phong, bảo gã canh cổng trấn nhỏ trước kia giúp giải trừ trói buộc.
Trần Bình An vuốt tay áo và ống quần xuống, đi ra ban công. Theo như Địa Phương Huyện Chí của nước Sơ Thủy ghi chép, đường nước ngầm này là do một con chân long cuối cùng trên thế gian bị tiên nhân truy sát, chui vào dưới đất, dùng thân thể to lớn mở thành. Chân long chui ra khỏi mặt đất ở cửa hang nước Sơ Thủy, ngự gió bay về Đại Ly phía bắc. Cuối cùng đại chiến hạ màn, mới có động tiên nhỏ Ly Châu kia. Cho nên tuyến đường thủy này thường được gọi là “đường rồng đi”.
Đường nước ngầm chia làm hai đường thủy trái phải, để thuyền nam bắc dễ dàng lui tới. Chính giữa có dựng một hàng rào dài không thấy điểm cuối. Cứ cách mười mấy dặm, vách đá lại treo một ngọn đèn lồng ánh sáng rạng rỡ, chiếu rọi đường sông gần đó sáng ngời. Nhưng đến ban đêm đèn lồng sẽ tắt, để hành khách lúc nghỉ ngơi không bị ánh sáng ảnh hưởng.
Hai căn phòng bên cạnh Trần Bình An đều có phần huyên náo, dường như có không ít người ở. Bến thuyền quản lý phòng ở tầng hai khá lỏng lẻo, mỗi phòng nhiều nhất có thể ở năm người, không có giường để nằm, cứ nằm dưới đất nghỉ là được.
Dù sao mười đồng tiền tiểu tuyết cũng không phải một khoản chi tiêu nhỏ. Luyện khí sĩ tu hành không dễ, nhất là tán tu rừng núi giống như lục bình không rễ. Nếu không có đường tắt và phương pháp, nói không hề khoa trương, tiền của bọn họ đều là tiền mồ hôi nước mắt liều mạng kiếm được.
Trần Bình An ở trong phòng của mình, có thể nhìn thấy đường thủy phía bên kia. Thuyền bắt đầu đi về phía trước, hắn phát hiện gần lan can tầng trệt có không ít người tay cầm cần câu, trên lưỡi câu không treo mồi nhưng lại có ánh sáng lập lòe. Sau đó những người này trực tiếp ném lưỡi câu vào dòng sông bên dưới, dùng cách thức thô bạo lôi cá lên.
Thỉnh thoảng lại có con cá ngu ngốc lớn chừng bàn tay mắc câu, bị kéo lên sàn thuyền, tiện tay ném vào giỏ cá. Nếu câu được tôm bạc cả người trắng như tuyết, dài chừng một ngón tay, người câu cá sẽ vô cùng mừng rỡ. Hóa ra nó có lai lịch lớn, là thứ đặc biệt dưới đường sông ngầm này, ở nước Sơ Thủy được gọi là “rồng sông”, phía nam thì gọi thân mật là “bạc”. Thứ này có thể hấp thu linh khí tinh thể, càng là thượng phẩm mà đám người sành ăn chiêu đãi khách quý trong yến tiệc.
Tôm non dài nửa tấc, mười mấy năm sau có thể dài đến một ngón tay, trăm năm sau mới từ từ dài đến hai ngón tay, long lanh như giáp ngọc của võ tướng. Một con rồng sông trăm tuổi, linh khí dồi dào, mỹ vị vô cùng, có thể bán giá nửa đồng tiền tiểu tuyết ở phía nam. Nếu có thể câu lên sáu con bạc lớn, giống như được ngồi thuyền miễn phí. Vừa kiếm được nhiều tiền, vừa có thể giết thời gian, cớ sao không làm?
Có điều rồng sông dài một ngón tay thì dễ câu, nhưng muốn câu rồng sông dài hai ngón tay thì phải xem duyên phận và may mắn. Bến thuyền đường sông nước Sơ Thủy đã mở ngàn năm, nghe đồn từng có người câu được một con rồng sông dài ba thước, những sợi râu tôm màu vàng óng kinh động bốn phương. Cuối cùng con rồng sông này được bán cho thành chủ thành Lão Long, chỉ tiếc bên ngoài không biết vị đại thần tiên giàu có nửa châu kia đã ra giá bao nhiêu.
Từ nhỏ Trần Bình An đã thích câu cá, hắn nhìn chăm chú vào những người câu cá kia một hồi, nghĩ thầm trên thuyền chắc có bán cần câu, nếu chỉ tốn một hai đồng tiền tiểu tuyết, vậy luyện quyền còn dư thời gian có thể đến lan can thử vận may.
Trần Bình An trở lại phòng, ăn trái cây tươi ngon không có một chút linh khí nào, bắt đầu tính toán chuyện luyện quyền. Hành trình hai mươi vạn dặm, tốn thời gian hai tháng, trong đó còn phải dừng lại ở bến thuyền tiên gia mỗi nước để nghỉ ngơi tiếp tế, tổng cộng chắc khoảng bốn năm ngày. Tốc độ của chiếc thuyền này thua kém thuyền cá côn không ít, như vậy cũng bình thường, bởi vì thuyền cá côn là thuyền vượt châu của môn phái lớn núi Đả Tiếu ở Bắc Câu Lô Châu.
Trần Bình An tính sơ qua một chút, mỗi ngày ngoại trừ ăn ngủ và làm việc vặt hai ba canh giờ, tranh thủ luyện quyền chín đến mười canh giờ. Cộng thêm hôm nay xuất quyền đã từ chậm chuyển thành nhanh, như vậy mỗi ngày có thể đi thế sáu bước chừng ba ngàn sáu trăm lần. Hai tháng sáu mươi ngày, xấp xỉ có thể luyện quyền hai mươi vạn lần.
Nghe có vẻ là một phép tính rất đơn giản, nhưng khi thật sự thực hành, cho dù Trần Bình An tự nhận định lực rất tốt cũng cảm thấy khó khăn. Lúc trước luyện quyền, bất kể là đến Đại Tùy hay xuôi nam đến nước Sơ Thủy, trên đường gặp núi gặp nước, mỗi nơi đều có cảnh tượng riêng. Nhưng lần này đi thuyền, chỉ có thể ở trong cái nơi chật hẹp này, giống như đối diện với bức tường yên lặng tĩnh tu vậy.
Quan trọng nhất là, chuyện đi thế hoàn toàn khác với lúc luyện quyền ở lầu trúc chịu nhiều đau khổ. Cái sau phần lớn là thần hồn trôi giạt “dao nhanh đau ngắn”. Còn cái trước nhìn như ung dung nhàn hạ, đánh ra từng quyền, nhưng càng về sau thì càng đau dài giống như dao cùn cắt thịt. Nhớ lại ngày gió tuyết trước kia, từ đường núi cổ xưa nước Hoàng Đình tiến vào quan ải Đại Ly, đến cuối cùng mỗi khi hít thở một hơi thì lại đau như đang nuốt dao vậy.
Chẳng trách ông lão nói, võ phu rèn luyện vừa phải đấu sức với trời đất, chịu đựng đau khổ như núi cao nghiền ép thân thể, còn phải đấu tâm với chính mình, dùng lửa nhỏ từ từ nấu ra một chữ “định”.
Trần Bình An hít thở sâu một hơi, đóng cửa ban công lại, bắt đầu đi thế. Bước chân nhẹ, xuất quyền nhanh, quyền ý xuôi.
Sau đó là ngày đêm không nghỉ khô khan nhàm chán, hắn thậm chí còn không đến nhà ăn trên thuyền dùng cơm, chỉ dùng lương khô và rượu tạm qua một ngày ba bữa.
Sau khi vào hạ, cho dù đường sông ngầm không khí mát mẻ, Trần Bình An vẫn mồ hôi đầm đìa. Hắn bắt đầu đi thế từ chỗ cửa phòng, vừa khéo dừng bước ở cửa gỗ sát ban công, sau đó lại quay đầu đi trở về. Lâu ngày sàn nhà trong phòng đầy vết mồ hôi.
Mỗi lần luyện quyền đến mệt lử, Trần Bình An nghỉ ngơi một lúc rồi lại bắt đầu, hoàn toàn quên mình. Trời đất giống như chỉ nhỏ thế này, không có danh sơn sông lớn, không có sóng cả cuồn cuộn, cũng không có gió núi hiu hiu và mưa tuyết lạnh lẽo, giống như xuân hạ thu đông và sinh lão bệnh tử chỉ ở trong một trượng vuông.
Qua hai mươi ngày, cửa gỗ ban công ngắm cảnh vẫn không hề mở ra.
Trong màn đêm, Trần Bình An nằm dưới đất, quần áo ướt sũng, sàn nhà ướt nhẹp, giống như một con cá bị người ta kéo lên bờ, há mồm thở dốc. Hắn nhếch miệng, muốn cười nhưng lại không cười nổi. Nếu lúc này lầu chủ lầu Mãi Độc tinh thông ám sát đánh lén mình, nên làm thế nào? Ánh mắt của hắn di chuyển xuống thấp, nhìn hồ lô nuôi kiếm kia, nghĩ thầm: “Cũng chỉ có thể dựa vào hai tiểu tổ tông này rồi.”
Mười ngày kế tiếp, Trần Bình An buộc phải lấy hồ lô nuôi kiếm bên hông xuống, thậm chí ngay cả giày cỏ dưới chân cũng cởi ra, xắn tay áo và ống quần, dùng chân trần đi thế luyện quyền qua lại trong phòng.
Từ luyện thể bước vào cảnh giới võ đạo thứ tư luyện khí, giống như chỉ thiếu một chút là chân còn lại có thể bước qua. Nhưng cái chân kia lại như lõm sâu trong bùn lầy, Trần Bình An tốn thời gian một tháng, cũng chỉ có thể rút nó ra một chút.
Lúc nghỉ ngơi sau khi luyện quyền, trời đất bên ngoài cũng không phải hoàn toàn không có động tĩnh. Hàng xóm hai bên sau khi đã quen với cuộc sống trên thuyền, cũng không gò bó nữa. Căn phòng bên tay trái dường như là hào khách giang hồ, mỗi ngày uống rượu ngụm lớn, ăn thịt chén lớn, tâm sự ân thù giang hồ. Chỉ là phần lớn dùng tiếng phổ thông nước khác, thỉnh thoảng mới thốt ra mấy câu dùng ngôn ngữ thông dụng Bảo Bình châu.
Mỗi ngày lúc luyện quyền đến cực hạn, Trần Bình An sẽ thoát ra khỏi cảnh giới quên mình huyền diệu khó giải thích, một chút động tĩnh bên tai cũng sẽ vang như sấm mùa xuân. Cho nên nghe mấy lời bàn tán viển vông bên kia, hắn chỉ cảm thấy hơi khó chịu.
Còn khách trọ bên phải giống như tiên sư môn phái nhỏ xuống núi du lịch, khá là yên tĩnh. Nhưng mỗi ngày sớm tối hai lần, đến giờ tu hành bọn họ lại đồng thanh ngâm nga hành lễ của sơn môn. Ván gỗ cách âm không tốt, những luyện khí sĩ năm cảnh giới thấp này lại dùng phương pháp thổ nạp bí truyền, cũng là một chuyện phiền lòng.
Trần Bình An tính thời gian một chút, hôm nay đại khái là tiết Mang chủng rồi (vào ngày mùng 5, 6, 7 tháng 6). Nếu ở quê nhà mình thì chính là lúc ngày mùa, có quan niệm rằng “Mang chủng hạt kê phải trồng nhanh”, ngay cả một số đàn ông trai tráng làm việc ở lò gốm, cũng sẽ được cho phép về nhà giúp đỡ.
Năm xưa lão Diêu cai quản lò gốm của mình, mặc dù tính tình khó chịu thích mắng người, nhưng trong chuyện này lại rất rộng lượng. Những lò gốm khác bình thường chỉ cho nghỉ ba ngày, còn lão Diêu lại cho nghỉ bốn năm ngày. Có điều lại khổ cho những thợ gốm đáng thương đã không còn ruộng đất tổ truyền như Lưu Tiện Dương và Trần Bình An, bởi vì lúc này lò gốm thiếu nhân sự, những người ở lại như bọn họ sẽ càng mệt nhọc.
Qua một tháng, Trần Bình An bất tri bất giác đã đi thế đủ mười vạn lần. Hiện giờ hứng thú lớn nhất của hắn, đó là muốn biết những người câu cá trên thuyền kia có câu được rồng sông quý hiếm dài hai ngón tay hay không.
Lại một ngày luyện quyền đến lúc giữa trưa, Trần Bình An đột nhiên phát hiện rượu trong hồ lô nuôi kiếm vẫn còn, nhưng lương khô đã không đủ. Hắn đành phải cột kỹ hồ lô nuôi kiếm, lưng đeo hộp kiếm, mang giày cỏ vào, lần đầu tiên đẩy cửa phòng ra, muốn tới nhà ăn ở đuôi thuyền mua thức ăn dự trữ.
Đang là giờ cơm, khi Trần Bình An ra khỏi cửa, vừa lúc nhóm hào khách giang hồ ở phòng bên trái cũng muốn ra ngoài tìm đồ ăn. Trần Bình An liền hơi chậm lại, duy trì khoảng cách năm sáu bước, đi theo phía sau năm người kia. Trong đó có người không nhịn được, quay đầu quan sát gã hàng xóm kỳ quái lần đầu chạm mặt này. Rất nhanh lại có người kéo kéo tay áo của hắn, ra hiệu không nên gây thêm rắc rối, người nọ liền dời mắt đi.
Kiếm sĩ lưng đeo hộp gỗ một mình hành tẩu giang hồ, tuổi còn trẻ nhưng thoạt nhìn phong thái trầm ổn, tốt nhất không nên đụng chạm. Nếu thật sự là kiếm tu vạn người có một, đám người mình cho dù xuất thân không tệ nhưng cũng không đắc tội nổi.
Trên đường bình yên vô sự. Nhà ăn đầy ắp người, Trần Bình An đến chỗ người phục vụ mua mấy cân bánh khô, trả tiền xong liền trở về phòng mình. Sau khi đóng cửa chính, hắn mở cửa gỗ ban công ra, đứng trên ban công vừa gặm bánh khô vừa uống rượu. Dưới lan can tầng trệt vẫn có người câu cá lác đác, nhưng Trần Bình An nhìn nửa giờ, thấy bọn họ chỉ câu được một ít cá bình thường, không có một con bạc nhỏ nào.
Trần Bình An uống rượu, tại nhà ăn đã biết ngày mai sẽ phải dừng lại nửa ngày ở bến thuyền Cao Du, có thể xuống thuyền ngắm cảnh. Gần bến thuyền là một nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng, gọi là hồ Thái Dịch. Thời tiết này chính là lúc hoa núi sặc sỡ, chỉ cần rời khỏi bến thuyền đi đến ngọn núi gần đó, dọc đường đều là chim hót hoa thơm. Nếu may mắn còn có thể bắt được một loại yêu hoa tên là “cô gái cỏ thơm”, bọn chúng có mùi thơm tự nhiên, hương vị thanh nhã, là túi thơm sống tốt nhất, rất được nữ luyện khí sĩ và phu nhân nhà quyền thế yêu thích.
Trần Bình An cảm thấy ra ngoài một chuyến cho khuây khỏa cũng tốt, hít thở khí trời. Cả tháng đóng cửa ở trong phòng, cả người cũng muốn nổi mốc rồi. Sau khi hạ quyết tâm, hắn liền xoay người rời khỏi ban công, đóng cửa lại tiếp tục luyện quyền đi thế.
Tảng sáng hôm sau thì thuyền cập bến. Phòng khách trong hang đá xinh xắn tinh xảo, tràn ngập mùi thơm, có một có phong vị khác so với sự rộng rãi tráng lệ của bến thuyền nước Sơ Thủy.
Thuyền hơi rung chuyển, Trần Bình An chỉ ngủ chưa tới hai canh giờ liền mở mắt ra, rời giường thu dọn hành lý. Đồ vật phải mang theo toàn bộ, không dám để lại trên thuyền.
Có lẽ vì hồ Thái Dịch rất nổi tiếng, Trần Bình An phát hiện hơn bốn trăm hành khách gần như đều muốn xuống thuyền ngắm cảnh. Hắn xen lẫn trong dòng người, bên cạnh là một nhóm nam nữ khí chất bất phàm. Trong đó có hai ông lão khí tức sâu xa giống như nước sông chảy chậm, lúc đi đường bước chân nhẹ nhàng linh hoạt, cho dù không phải thần tiên trên núi năm cảnh giới trung, có lẽ cũng không kém nhiều.
Trần Bình An không phải người thích nghe lén, nhưng trong khoảng thời gian này hiếm khi nghe được có người nói chuyện bằng ngôn ngữ thông dụng Bảo Bình châu, cho nên theo bản năng dựng tai lên.
Nội dung bọn họ trò chuyện có đại thế non sông nam bắc một châu, có động tĩnh mới nhất của các phủ đệ tiên gia lớn, cũng có chuyện vặt của một số danh nhân quốc gia vương triều. Hai ông lão nói nhiều nhất, còn đám vãn bối trẻ tuổi bên cạnh thì chăm chú lắng nghe, hiếm khi chen vào, ngay cả khi muốn hỏi cũng cung cung kính kính, hoàn toàn khác với một số người trong ấn tượng của Trần Bình An.
Chẳng hạn như kiếm tu Lưu Bá Kiều của vườn Phong Lôi, kiếm tu Tào Tuấn của Nam Bà Sa Châu ở nhà tổ họ Tào ngõ Nê Bình, còn có Chu Cự của thư viện Quan Hồ gặp được gần đây, hình như tính cách đều không thận trọng như vậy.
Cuối cùng có một ông lão bên hông đeo con dấu nhỏ bằng ngọc đen, kể lại chuyện thuyền cá côn núi Đả Tiếu rơi vỡ, thương vong nặng nề. Khi nhắc đến thiên quân đạo chủ Bắc Câu Lô Châu, mặc dù thừa nhận người nọ đạo pháp thông thiên, ngay cả đạo chủ Kỳ Chân của Bảo Bình châu nhà mình cũng chưa chắc có phần thắng, nhưng phần nhiều vẫn không đồng ý với hành vi bá đạo của tên thiên quân này.
Ông lão còn lại thì tâm sự trùng trùng, nói rằng có vương triều ở trung bộ Bảo Bình châu kiếm tu mọc lên như rừng, lại ăn no rửng mỡ muốn đánh rơi chiếc thuyền của Câu Lô châu, chẳng biết có lợi ích gì. Thế lực có thể tụ tập nhiều kiếm khí như vậy, chỉ có thể là triều đình của vương triều lớn kia. Nhưng vị hoàng đế kia đã tự mình đến Thần Cáo tông, thề thốt không có chuyện này. Sau đó hắn và Kỳ Chân cùng đi gặp mặt đạo chủ Tạ Thực của Câu Lô châu, Tạ Thực chỉ nói tất cả sẽ có tu sĩ Câu Lô châu tra xét chân tướng.
Trần Bình An nghe đến đây đột nhiên dừng lại, sau đó đi nhanh tới trước, ôm quyền hỏi hai ông lão kia:
– Hai vị tiên sư, mạo muội hỏi một câu, hành khách trên chiếc thuyền cá côn kia thế nào rồi?
Một ông lão ngoảnh mặt làm ngơ, cũng không thèm nhìn thiếu niên đeo kiếm miệng đầy khẩu âm phương bắc, tiếp tục đi tới trước. Ông lão đeo con dấu thì dừng lại, kiên nhẫn trả lời:
– Hành khách năm cảnh giới thấp gần như không ai sống sót, ngay cả luyện khí sĩ năm cảnh giới trung cũng chết rất nhiều. Khi đó vô số kiếm khí từ một ngọn núi bắn lên không, chẳng khác nào một kích toàn lực của kiếm tiên năm cảnh giới cao, ngươi nghĩ xem uy lực lớn đến đâu?
Thấy sắc mặt thiếu niên hơi biến đổi, ông lão thở dài một tiếng, tiếp tục đi về phía trước.
Trần Bình An đứng yên tại chỗ, bị dòng người rộn ràng đụng trúng vai mấy lần cũng không phát giác. Đến khi khôi phục tinh thần lại, hắn mới phát hiện gần như tất cả mọi người đều đã ra ngoài, đến hồ Thái Dịch ngắm cảnh. Hắn chậm rãi đi tới cửa hang, bên ngoài ánh nắng sáng ngời, nơi xa hơn có thể nhìn thấy một ngọn núi lớn độ dốc không cao, hoa cỏ rực rỡ nở rộ khắp núi đồi.
Sau khi đánh chết Xà Hạt phu nhân ở quận Yên Chi, thực ra Trần Bình An đã lấy được một món bảo bối, nhưng ở Thanh Phù phường nước Sơ Thủy lại không đưa ra bán. Đó là một món đồ rửa bút, dưới đáy có mười sáu chữ “hoa xuân trăng thu, gió xuân cây thu, núi xuân đá thu, nước xuân sương thu”. Kiểu chữ nhỏ bé, nét bút như nòng nọc chậm rãi lưu chuyển.
Hắn vốn nghĩ sau này nếu có duyên gặp lại, nhất định phải lấy ra cho hai chị em kia xem thử, để bọn họ biết trên đời còn có chuyện lý thú trùng hợp như vậy.
Trên mặt Trần Bình An không có vẻ bi thương, chỉ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nhìn quang cảnh tươi đẹp phía xa. Qua một hồi hắn xoay người trở về thuyền, sau người là muôn hoa khoe sắc nở rộ khắp nơi, hắn cũng không nhìn.
Trở lại phòng ở tầng hai, đóng cửa tiếp tục luyện quyền.
Lại gần một tháng chậm rãi trôi qua, Trần Bình An bất tri bất giác đã đánh đủ hai mươi vạn quyền.
Qua hai ngày nữa sẽ phải xuống thuyền. Hôm nay vào lúc đêm khuya, hắn thay một bộ quần áo sạch sẽ, đi chân trần mở cửa gỗ ban công ra. Trên dưới thuyền yên tĩnh hiếm có, Trần Bình An thấy xung quanh không người, liền nhẹ nhàng nhảy lên lan can, nhìn dòng sông bên cạnh chậm rãi chảy qua.
Hắn không nghĩ gì cả, chỉ uống rượu, cuối cùng phát hiện trong bầu không còn rượu. Bên trong vốn chứa mười mấy cân rượu ngon của Kiếm Thủy sơn trang, trước khi ngồi thuyền chỉ cho Từ Viễn Hà và Trương Sơn Phong uống một chút, hai tháng này hắn lại uống rất hạn chế, cho nên vẫn còn tới bây giờ.
Trần Bình An ra sức lắc lắc bầu rượu dưới đáy có viết chữ “Khương Hồ”, thật sự không có rượu. Hắn vẫn chưa hết hi vọng, ngước cổ giơ bầu rượu lên cao, cho dù chỉ còn lại vài giọt cũng tốt.
Đường sông bên cạnh có một chiếc thuyền bốn tầng chạy tới trước mặt. Một nữ khách ở phòng bên hông tầng thượng, lúc này cũng ngồi trên lan can ban công, ngơ ngác nhìn thiếu niên đang ra sức lắc hồ lô nuôi kiếm, muốn uống rượu. Cuối cùng thấy hắn đã bỏ cuộc, buông tay xuống, hai tay ôm lấy hồ lô nuôi kiếm phẩm chất không tầm thường, gác cằm lên miệng hồ lô.
Cô nghĩ thầm thiếu niên này không phải uống rượu đến ngốc rồi chứ, liền nổi tính ham vui, xách bầu rượu bằng ngọc bích lên, một tay đặt bên miệng hô:
– Ở đây, ở đây, sâu rượu nhỏ, chỗ này của ta có rượu, muốn uống thì lấy đi!
Trần Bình An vẫn giữ nguyên tư thế, nghe tiếng liền liếc nhìn một cái.
Thiếu nữ mặc trường bào xanh sẫm thấy hắn không có động tĩnh gì, bèn dứt khoát ném bầu rượu trong tay ra. Bầu rượu rơi xuống trước mắt Trần Bình An hai trượng, lại vù một cái lướt về trong tay cô. Thiếu nữ cảm thấy rất vui, thản nhiên cười lớn.
Hai chiếc thuyền đi sát qua nhau, Trần Bình An mặt không cảm xúc, nội tâm không hề dao động, chỉ nghĩ thầm cô gái này không phải là một kẻ ngốc đấy chứ.
Hắn cột kỹ hồ lô nuôi kiếm, lật người về phía sau trên ban công, đóng cửa gỗ lại, tiếp tục luyện quyền.
Rượu không còn thì có thể mua, nhưng người không còn thì sao? Trần Bình An không biết. Cho nên lần đầu tiên hắn luyện quyền dừng lại giữa chừng, sau đó hơn nửa đêm chạy đến nhà ăn mua rượu. Nhưng nhà ăn đã sớm đóng cửa. Hắn đành phải trở về phòng, tiếp tục luyện quyền.