Kiếm lai - phong hỏa hí chư hầu - Chương 11
Đọc truyện Kiếm lai – phong hỏa hí chư hầu Chương 11 full miễn phí tại ngontinhhay.com.. Cùng tham gia Group của đọc truyện Ngôn Tình Hay trên Facebook, để cập nhật truyện nhanh nhất!
Một vị nho sĩ tóc mai trắng như sương dẫn theo một thiếu niên áo xanh rời khỏi trường làng, đi đến dưới ngôi miếu thờ kia. Sắc mặt của vị thầy giáo có học vấn cao nhất trong trấn nhỏ này hơi tiều tụy, đưa tay chỉ vào một tấm biển trên đầu:
– Đương nhân bất nhượng, bốn chữ này giải thích thế nào?
Thiếu niên Triệu Dao vừa là học trò trong trường vừa là thư đồng của tiên sinh, ngẩng đầu nhìn theo hướng chỉ, không hề do dự nói:
– Nho gia chúng ta dùng chữ “nhân” lập giáo, tấm biển bốn chữ này lấy từ “làm việc nhân đức không nhường sư phụ”, ý nói người đọc sách chúng ta nên tôn sư trọng đạo, nhưng đứng trước nhân nghĩa đạo đức thì không cần khiêm nhường.
Tề tiên sinh hỏi:
– Không cần khiêm nhường? Nếu đổi thành “không thể” thì sao?
Thiếu niên áo xanh tướng mạo nhàn hạ tiêu sái. So với Tống Tập Tân khí thế ép người, tài năng lộ rõ, khí chất của thiếu niên ôn hòa hướng nội hơn, tự nhiên khả ái giống như một đóa phù dung vừa nở. Sau khi tiên sinh hỏi vấn đề ẩn giấu huyền cơ này, thiếu niên không dám xem thường, cẩn thận cân nhắc, cảm thấy tiên sinh đang kiểm tra học vấn của mình, làm sao dám tùy ý? Nho sĩ trung niên nhìn dáng vẻ thận trọng như lâm đại địch của đệ tử, hiểu ngầm cười vỗ vai thiếu niên:
– Chỉ là thuận miệng hỏi mà thôi, không cần khẩn trương. Xem ra trước kia ta quá gò bó thiên tính của con, gọt giũa quá nhiều khiến con sống như một pho tượng đặt trong Văn Xương các, mặt mày nghiêm nghị, chỗ nào cũng nói quy củ, chuyện gì cũng giảng đạo lý, không cảm thấy mệt mỏi… nhưng hiện giờ xem ra lại là chuyện tốt.
Thiếu niên cảm thấy nghi hoặc không hiểu, nhưng tiên sinh đã dẫn hắn đi vòng qua một bên khác, vẫn ngẩng đầu nhìn về tấm biển bốn chữ. Vẻ mặt nho sĩ giãn ra, chẳng biết tại sao vị tiên sinh dạy học nói năng thận trọng này lại nhắc đến rất nhiều lời đồn thú vị và vụ việc phức tạp, rủ rỉ nói với đệ tử:
– Người viết tấm biển bốn chữ “Đương Nhân Bất Nhượng” trước đó từng là đệ nhất thư pháp đương thời, dẫn tới rất nhiều tranh luận. Chẳng hạn như tranh cãi về khung sườn của kết cấu và thần ý, khen chê về “chất xưa” và “vẻ đẹp thời nay”, đến giờ vẫn không có kết luận. Bốn ý nghĩa của thư pháp là vần, pháp, ý, tư, ngàn năm qua người này đứng đầu hai thứ, quả là không cho tông sư cùng thế hệ nửa con đường sống. Còn về bốn chữ “Hi Ngôn Tự Nhiên” này lại có điểm thú vị, nếu con cẩn thận quan sát sẽ có thể phát hiện, bốn chữ này mặc dù bút dùng, kết cấu, thần ý đều tương tự, nhưng trên thực tế là do bốn vị đại chân nhân tổ sư Đạo giáo chia ra viết. Lúc ấy có hai vị thần tiên già còn thư từ qua lại tranh cãi một phen, ai cũng muốn viết chữ “Hi” huyền diệu, không muốn viết chữ “Ngôn” dung tục…
Sau đó nho sĩ lại dẫn theo thiếu niên vòng quanh tới bên dưới tấm biển “Mạc Hướng Ngoại Cầu”, ông ta nhìn quanh, ánh mắt xa xăm:
– Bởi vì không còn thầy dạy, ngôi trường làng mà con đang theo học sẽ nhanh chóng bị mấy gia tộc lớn cho ngừng hoạt động, hoặc là dứt khoát đập đổ, xây thành đạo quán nhỏ hoặc dựng lên một pho tượng Phật cho khách hành hương đến thắp nhang. Sẽ có một đạo nhân hoặc nhà sư chủ trì năm này qua năm khác, cho đến kỳ hạn một giáp (sáu mươi năm) có lẽ sẽ “đổi người” hai ba lần, để tránh dân chúng trấn nhỏ nảy sinh nghi hoặc, thực ra chỉ là thủ thuật che mắt kém cỏi mà thôi. Có điều ở nơi này hoàn thành một môn pháp thuật thần thông chỉ lớn bằng hạt vừng, nếu đặt ở bên ngoài có lẽ sẽ giống như thiên thần gõ trống lớn, khí thế hùng hồn như tiếng sấm mùa xuân rung chuyển trời đất…
Đến lúc sau giọng nói của tiên sinh nhỏ như muỗi kêu, cho dù thiếu niên trí thức Triệu Dao có vểnh tai cũng không nghe rõ được.
Tề tiên sinh thở dài, giọng điệu có phần bất đắc dĩ và mệt mỏi:
– Rất nhiều chuyện vốn là thiên cơ không thể tiết lộ, đến nay thì càng lúc càng không quan trọng nữa. Nhưng chúng ta dù sao cũng là người đọc sách, vẫn phải chú ý đến thể diện. Huống hồ nếu Tề Tĩnh Xuân ta phá hư quy củ trước thì chẳng khác nào tự mình biển thủ, ăn uống như vậy quá khó coi rồi.
Triệu Dao đột nhiên lấy cam đảm nói:
– Tiên sinh, học trò biết người không phải là người bình thường, trấn nhỏ này cũng không phải là nơi tầm thường.
Nho sĩ hiếu kỳ cười nói:
– Hả? Nói thử xem.
Triệu Dao chỉ vào miếu thờ mười hai chân khí thế sừng sững:
– Nơi này cộng thêm giếng Thiết Tỏa ở ngõ Hạnh Hoa, còn có cầu mái che theo lời đồn dưới đáy có treo hai thanh kiếm sắt, cây hòe già, hoa đào ở ngõ Đào Diệp, cùng với đường Phúc Lộc chỗ Triệu gia, Cốc Vũ thiếp và Trùng Dương thiếp (1) hàng năm được dán… tất cả đều rất kỳ lạ.
Nho sĩ ngắt lời thiếu niên:
– Kỳ lạ? Sao lại kỳ lạ. Từ nhỏ con lớn lên ở đây, vốn chưa bao giờ đi ra ngoài, chẳng lẽ con đã từng thấy cảnh tượng bên ngoài trấn nhỏ? Nếu đã không có thứ để so sánh thì sao lại nói lời này?
Triệu Dao hơi trầm giọng nói:
– Từ lâu con đã thuộc nằm lòng nội dung những quyển sách của tiên sinh, hoa đào ở ngõ Đào Diệp rất khác với miêu tả của thơ ca trong sách. Hơn nữa tiên sinh dạy học vì sao chỉ truyền ba quyển sách vỡ lòng, coi trọng việc biết chữ, vậy học vỡ lòng xong thì chúng con nên đọc sách gì? Đọc sách lại để làm gì? “Khoa cử” trong sách là sao? Thế nào là “sáng còn làm nông dân, chiều thành quan cung đình”? Thế nào là “vua coi trọng anh hào, văn chương dạy chúng ta”? Hai vị quan giám sát làm gốm trước sau mặc dù chưa từng nhắc đến triều đình, kinh thành và chuyện thiên hạ với người khác, thế nhưng…
Nho sĩ vui vẻ cười nói:
– Được rồi, nói nhiều cũng vô ích.
Triệu Dao lập tức không nói thêm gì nữa.
Nho sĩ tự xưng là Tề Tĩnh Xuân nhỏ giọng nói:
– Triệu Dao, sau này con phải cẩn thận từ lời nói đến việc làm, nhớ kỹ họa từ miệng mà ra, cho nên hiền nhân nho gia phần lớn đều giữ mồm giữ miệng. Quân tử ở trên hiền nhân thì càng tự giác tuân thủ các nguyên tắc đạo đức khi sống một mình, cẩn thận giữ mình trong sạch như ngọc bích, chỉ lo có tì vết. Còn về thánh nhân, chẳng hạn như đám sơn chủ của bảy mươi hai thư viện… những người này à, có thể một lời thành sấm, nói là làm ngay giống như đại chân nhân Đạo giáo hay Kim Thân La Hán Phật gia. Nhóm người này và cao nhân của các phái học thuật sau khi đạt đến cảnh giới như vậy, đại khái gọi chung là lục địa thần tiên, xem như đã bước một chân vào ngưỡng cửa. Có điều những nhân vật này ai cũng như rồng, một số ngồi tít trên cao giống như tượng thần trong đạo quán chùa chiền, cao không thể với tới, một số lại là rồng thần thấy đầu không thấy đuôi, người bình thường không thể tìm được.
Triệu Dao nghe mà mơ mơ hồ hồ giống như rơi vào mây mù.
Hắn không nhịn được hỏi:
– Tiên sinh, sao hôm nay ngài lại muốn nói những chuyện này?
Sắc mặt nho sĩ độ lượng, cười nói:
– Con có thầy thì ta dĩ nhiên cũng có thầy, mà thầy của ta… thôi không nhắc đến nữa. Tóm lại ta vốn tưởng rằng có thể kéo dài hơi tàn thêm mấy chục năm, đột nhiên phát hiện có một số người đứng ở sau màn, ngay cả một chút thời gian như vậy cũng không muốn chờ. Cho nên lần này ta không có cách nào dẫn con rời khỏi trấn nhỏ, chính con phải tự đi ra. Có một số chân tướng không ảnh hưởng lắm cũng nên tiết lộ cho con biết, con cứ xem như nghe cố sự là được. Chỉ hi vọng con hiểu được một đạo lý, ngoài trời có trời, trên người có người, bất kể Triệu Dao con “được trời ưu ái, vận may rơi xuống” như thế nào, cũng không được đắc chí thỏa mãn, sinh lòng lười biếng.
Nước giếng hạ thấp, lá hòe rời cành đều là điềm báo.
Học giả tên là Tề Tĩnh Xuân nhắc nhở:
– Triệu Dao, còn nhớ ta bảo con cất chiếc lá hòe kia thật kỹ không?
Thiếu niên trí thức gật mạnh đầu:
– Đã cất kỹ cùng với con dấu mà tiên sinh tặng rồi.
– Trên đời nào có lá cây rời khỏi đầu cành lại xanh biếc ẩm ướt, tươi tắn mềm mại như vậy? Trấn nhỏ có mấy ngàn người, người được “phúc đức bao trùm” như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay. Nên thường xuyên ngắm nghía chiếc lá hòe kia, nói không chừng sau này sẽ có cơ duyên.
Ánh mắt nho sĩ sâu xa:
– Trừ chuyện này ra, những năm gần đây ta vẫn luôn bảo con làm việc thiện, kết thiện duyên ở trấn nhỏ, gặp ai cũng phải đối xử lễ độ, kết giao chân thành, sau này con sẽ từ từ hiểu được huyền cơ trong đó. Những chuyện nhỏ vặt vãnh nhìn có vẻ không quan trọng kia giống như nước chảy đá mòn, cuối cùng lợi ích thu hoạch được chưa chắc đã kém hơn ôm một bộ “Địa Phương Huyện Chí”.
Thiếu niên phát hiện có một con chim sẻ đậu trên xà nhà bằng đá, thỉnh thoảng lại nhảy nhót kêu ríu rít.
Hai tay nho sĩ đặt sau người, ngẩng đầu nhìn chim sẻ, vẻ mặt nghiêm trang.
Thiếu niên không nhìn ra đều gì khác thường.
Nho sĩ Tề Tĩnh Xuân đột nhiên nhìn về ngõ Nê Bình bên kia, lông mày càng nhíu chặt.
Nho sĩ khẽ thở dài nói:
– Sâu ẩn trong đất qua mùa đông, dần nghe tiếng xuân mới chui ra. Có điều thân là khách lại lén lút giở trò nham hiểm dưới mắt của chủ nhân, có phải quá kiêu ngạo rồi không? Thật tưởng rằng dựa vào non nửa chén nước tự tung tự tác là có thể làm gì tùy thích ở đây sao?
Triệu Dao ưu sầu lo lắng:
– Tiên sinh?
Nho sĩ xua xua tay, ra hiệu chuyện này không liên quan gì tới thiếu niên, chỉ dẫn hắn đi sang mặt khác đến dưới tấm biển cuối cùng.
Bỗng nhiên thiếu niên Triệu Dao giống như sâu ngủ đông nghe được tiếng sấm mùa xuân, lập tức dừng bước, ánh mắt ngơ ngác nhìn thẳng.
Chỉ thấy cách đó không xa có một thiếu nữ áo đen đầu đội nón che mặt, sa mỏng che đậy dung nhan, dáng người cân đối không mảnh khảnh cũng không đẫy đà. Bên hông nàng phân biệt treo một thanh trường kiếm vỏ trắng như tuyết và một thanh đao hẹp vỏ xanh, đứng dưới tấm biển “Khí Xung Đấu Ngưu”, hai tay khoanh trước ngực ngẩng đầu nhìn lên.
Nho sĩ cảm thấy buồn cười, khẽ hắng giọng.
Thiểu niên chỉ đờ ra như phỗng, không lĩnh hội được nhắc nhở của tiên sinh là “đừng nhìn những thứ không hợp lễ giáo”.
Nho sĩ hiểu ngầm cười, không lên tiếng quở trách, cũng không hắng giọng phá hoại hứng thú nữa, mặc cho thiếu niên bên cạnh ngơ ngác nhìn về thiếu nữ kia.
Thiếu nữ giống như vẫn không phát giác được ánh mắt của thiếu niên.
Nàng dường như rất thích bốn chữ lớn “Khí Xung Đấu Ngưu” này. So với sự đoan trang nghiêm túc của ba tấm biển còn lại được viết theo lối chữ khải, chữ lớn của tấm biển này được viết theo lối chữ hành riêng biệt (2), thần vận trong đó quả thật gần như tùy tiện viết theo ý muốn.
Nàng thích!
Thiếu niên đột nhiên giật mình bừng tỉnh. Hóa ra là tiên sinh vỗ vào vai hắn, cười nói:
– Triệu Dao, con nên trở lại trường chuyển đồ về nhà rồi.
Thiếu niên đỏ mặt cúi đầu, theo tiên sinh trở về trường.
Lúc này thiếu nữ mới chậm rãi buông năm ngón tay đang cầm chuôi đao.
Nho sĩ phía xa trêu ghẹo:
– Triệu Dao ơi Triệu Dao, ta đã cứu con một mạng đấy.
Thiếu niên giật mình nói:
– Tiên sinh?
Nho sĩ do dự một lúc, vẻ mặt nghiêm túc nói:
– Sau này nhìn thấy cô ta, con nhất định phải đi đường vòng.
Thiếu niên trí thức áo xanh lịch sự tao nhã ngạc nhiên, cũng hơi mất mát:
– Tiên sinh, vì sao phải làm vậy?
Tề Tĩnh Xuân suy nghĩ một lúc, nói một câu giống như kết luận sau khi đậy nắp quan tài:
– Cô ta rất sắc bén, đã định sẵn là một thanh kiếm không vỏ.
Thiếu niên muốn nói lại thôi.
Nho sĩ trung niên cười nói:
– Đương nhiên nếu như chỉ ngầm thích ai đó, Đạo Tổ hay Phật Đà cũng không ngăn được. Cho dù người đọc sách chúng ta có nhiều quy định cứng nhắc nhất, vị chí thánh tiên sư của chúng ta cũng chỉ khuyên bảo “đừng nói, nhìn, nghe, làm những thứ không hợp lễ giáo”, không hề nói là đừng nghĩ.
Vào giây phút này thiếu niên đột nhiên giống như bị quỷ ám, lớn tiếng buột miệng thốt lên:
– Cô ấy rất thơm!
Lời vừa nói ra khỏi miệng, thiếu niên liền ngơ ngẩn.
Nho sĩ cảm thấy nhức đầu, không phải vì tức giận mà là cục diện này tương đối khó giải quyết, trầm giọng nói:
– Triệu Dao, xoay người!
Thiếu niên vô ý thức xoay người, quay lưng về phía tiên sinh.
Thiếu nữ dưới ngôi miếu thờ quay đầu lại, sát khí ngút trời.
Đầu tiên hai tay nàng buông xuống, hai ngón cái phân biệt đặt lên chuôi kiếm và chuôi đao.
Sau đó nàng bắt đầu chạy bước nhỏ lấy đà, sau khoảng bốn năm bước tay chân đột nhiên phát lực, trường kiếm ba thước bên trong vỏ kiếm trắng như tuyết, đao hẹp mảnh khảnh bên trong vỏ đao xanh biếc cùng nhau rời khỏi vỏ, bay xéo lên trên. Cùng lúc này thân hình nàng cũng bắn lên, hai tay nhanh chóng chụp lấy đao kiếm, không nói một lời chém xuống đầu!
Giữa thiếu nữ áo đen và đôi thầy trò trong trấn nhỏ, hai cánh tay không hề to khỏe giống như bị kéo dài, bắn ra hai vệt sáng rực rỡ hình vòng cung.
Tuyệt đối không phải thần thông, càng không phải pháp thuật.
Thuần túy là một chữ “nhanh”!
Vẻ mặt nho sĩ nhàn hạ, không hề có ý định tránh né, chỉ khẽ giậm chân.
Một cơn sóng gợn xao động lan ra.
Trong thoáng chốc thân thể thiếu nữ căng cứng, sát ý càng nặng.
Hóa ra không nói đến một đao một kiếm thế như chẻ tre kia hoàn toàn hụt hẫng, cả người nàng cũng đang đứng ở nơi đao kiếm rời khỏi vỏ.
Nho sĩ mỉm cười nói:
– Không tệ, sư tử vồ thỏ cũng dùng hết sức. Có điều nói cho cùng thì đệ tử này của ta quả thật đã mạo phạm cô nương, nhưng tội không đến mức chết chứ?
Thiếu nữ cố ý khiến cho giọng nói trở nên trưởng thành trầm lắng, chậm rãi đút kiếm vào trong vỏ, chuyển sang tư thế một tay cầm đao, mũi đao chỉ thẳng vào nho sĩ:
– Ông “cảm thấy” thế nào là chuyện của ông, tôi mặc kệ.
Thiếu nữ sải bước ra một bước:
– Tôi làm thế nào là chuyện của tôi. Đương nhiên, ông có thể… cản thử xem!
Nàng xông tới trước nhanh và mãnh liệt.
Mặt đất nơi hai chân của nàng đạp xuống lập tức sụp thành hai cái hố nhỏ.
Một tay nho sĩ đặt sau người, một tay nắm hờ đặt ngang bụng trước người, cười nói:
– Võ đạo của nhà binh, chỉ nhanh không phá được. Đáng tiếc khoảng trời đất này dù đã sắp sụp đổ, nhưng chỉ cần chưa sụp thì kể cả mười vị lục địa thần tiên hợp sức phá trận cũng như châu chấu đá xe. Huống hồ là cô?
Trong thoáng chốc, thiếu nữ bỗng dưng lại xuất hiện ở bên trái nho sĩ cách mười mấy bước.
Nàng ngẫm nghĩ một chút, nhắm mắt lại.
Nho sĩ lắc đầu cười nói:
– Cũng không phải là thủ thuật che mắt như cô tưởng, khoảng trời đất này tương tự như cái gọi là tiểu thiên thế giới của phật gia, ở nơi này ta chính là…
– Ồ?
Ông ta đột nhiên thốt lên kinh ngạc, lập tức ngừng nói, trong nháy mắt đi đến bên cạnh thiếu nữ quan sát thật kỹ, hai ngón tay nhẹ nhàng kẹp lấy mũi đao.
Ông ta hỏi:
– Là ai dạy đao pháp và kiếm thuật cho cô?
Thiếu nữ không mở mắt, tay trái cầm lấy chuôi kiếm vừa mới trở vào vỏ, một vệt sáng lạnh quét ngang vào nho sĩ, muốn chặt đứt ngang hông ông ta.
Nho sĩ đang dùng hai ngón tay kẹp lấy mũi đao khẽ quát:
– Lui!
Trên mặt đất vang lên tiếng rào rào, bụi đất tung bay, sau chốc lát lộ ra bóng dáng của thiếu nữ đầu đội nón che mặt, hai chân một trước một sau đứng yên. Từ dưới chân nàng đến trước người nho sĩ xuất hiện một khe rãnh giống như bị cày ra.
Hai tay thiếu nữ máu thịt đầm đìa.
Đao đã rời khỏi vỏ, kiếm cũng rời khỏi vỏ, nhưng nàng lại thảm bại đến mức bị người ta dùng tay không đoạt binh khí.
Hơn nữa trong lòng nàng biết rõ, kẻ địch ngoại trừ nắm giữ “kết cấu” của vùng trời đất này, vẫn luôn áp chế thực lực tu vi đến cảnh giới ngang với mình.
Đây là tài nghệ không bằng người, chứ không phải là tu vi kém hơn.
Cả người nàng giống như đã đến ranh giới bộc phát.
E rằng chính thiếu nữ cũng không ý thức được, lấy nàng làm trung tâm, ánh sáng chung quanh đã sinh ra vặn vẹo.
Vị tiên sinh dạy học này suy cho cùng vẫn người rất giảng đạo lý, hiểu ý khuyên nhủ:
– Cô tốt nhất tạm thời đừng nên so sánh với ta, có thể sẽ làm trở ngại tâm cảnh võ đạo của cô. Võ đạo muốn trèo lên đỉnh, tiến dần từng bước là rất quan trọng.
Lúc này dáng vẻ của ông ta hơi kỳ quái, một tay nâng mũi kiếm, một tay vắt ngang cầm thân kiếm.
Ông ta đột nhiên cười lên, mô phỏng giọng điệu nói chuyện của thiếu nữ, “ra vẻ cụ non” nói:
– Có nghe hay không là quyền của cô, có nói hay không là chuyện của ta.
Thiếu nữ im lặng một lúc, trầm giọng nói:
– Đã lãnh giáo rồi!
Nho sĩ gật đầu cười, cảm thấy cô gái này cũng không phải luôn kiêu ngạo ngang ngược, vậy thì rất tốt. Ông ta nhẹ nhàng vứt đao cho thiếu nữ, nói:
– Trả đao cho cô trước.
Ông ta lại cúi đầu nhìn trường kiếm hơi rung động nơi đầu ngón tay.
Sóng sau đè sóng trước.
Nho sĩ tiếc nuối nói:
– Phẩm chất của thanh kiếm này không tầm thường, nhưng vẫn có chênh lệch so với đỉnh cao, vì vậy nhiều nhất chỉ có thể chịu được sức nặng của hai chữ, hơn nữa còn có phần miễn cưỡng. Nếu không với tư chất căn cốt của cô, không nói lấy hết cả bốn chữ, nhưng ba chữ chắc chắn là thừa sức…
Lúc ông ta thở dài tùy ý giơ tay lên, quát khẽ:
– Sắc!
Hai luồng sáng chói mắt từ trên tấm biển “Khí Xung Đấu Ngưu” bay ra.
Bị nho sĩ vung tay áo liên tục vỗ hai lần, đánh vào bên trong trường kiếm.
Trên tấm biển, hai chữ “Khí” và “Ngưu” giống như vẫn còn khí thế.
Hai chữ “Xung” và “Đấu” lại giống như một cụ già xế chiều nằm trên giường bệnh, sau hồi quang phản chiếu thì cuối cùng hoàn toàn mất đi tinh khí thần.
Nho sĩ thờ ơ rung cổ tay, thanh trường kiếm kia trong nháy mắt trở về vỏ kiếm của chủ nhân. Bởi vì đã trở vào vỏ nên nên tạm thời không ai biết, trên thân kiếm lại có luồng khí tức quanh quẩn như giao long.
Cảnh tượng kế tiếp lại khiến Tề Tĩnh Xuân đã trải qua bao cuộc bể dâu cũng cảm thấy kinh ngạc.
Thiếu nữ chậm rãi lấy vỏ kiếm xuống, tiện tay vung ra cắm nghiêng xuống đất. Sau tấm sa mỏng rũ xuống của nón che mặt, ánh mắt của nàng kiên nghị:
– Đây không phải là kiếm đạo mà tôi theo đuổi.
Nho sĩ liếc nhìn thanh kiếm bị thiếu nữ vứt bỏ, sâu trong lòng cảm thấy một sự nặng trĩu lâu ngày không gặp, đành phải hỏi một vấn đề hơi mất thân phận:
– Cô có biết ta là ai không?
Thiếu nữ gật đầu, sau đó lại lắc đầu:
– Tôi nghe nói cứ cách một giáp nơi này sẽ đổi một vị thánh nhân trong tam giáo, tới đây chủ trì một đại trận vận chuyển, đã mấy ngàn năm rồi. Thỉnh thoảng có người sau khi từ nơi này đi ra, hoặc là thân mang bảo vật đặc biệt, hoặc là tu vi lớn mạnh vượt bậc, cho nên tôi muốn tới xem thử. Lúc nhìn thấy ông thì tôi đã xác định thân phận của ông rồi, nếu không ban nãy tôi cũng sẽ không ra tay dứt khoát như vậy.
Tề Tĩnh Xuân lại hỏi:
– Vậy cô có biết mình vừa vứt bỏ thứ gì không?
Thiếu nữ im lặng không lên tiếng.
Trong vỏ kiếm cắm dưới đất, trường kiếm không ngừng rung động, giống như giai nhân nghiêng nước đang ai oán nghẹn ngào, đau xót van nài tình nhân hồi tâm chuyển ý.
Thiếu niên đọc sách đã sớm lén lút quay đầu, cẩn thận nhìn thiếu nữ phía xa.
Nho sĩ không thể bảo là học thức không uyên bác, nhưng vẫn không thể lý giải được chuyện này, cũng không tiện cưỡng ép nhét trường kiếm ẩn chứa khí số to lớn kia cho thiếu nữ, cuối cùng đành phải buông lời nhắc nhở:
– Cô nương, tốt nhất nên thu lại thanh kiếm kia. Kế tiếp trấn nhỏ sẽ rất không… yên bình. Thêm một thứ đồ phòng thân chung quy vẫn tốt hơn.
Thiếu nữ cũng không nói gì, xoay người rời đi.
Vẫn không muốn mang theo thanh kiếm kia.
Tề Tĩnh Xuân cảm thấy bất đắc dĩ, phất tay áo cắm thanh kiếm kia vào trên cao một cây cột đá của miếu thờ. Nếu như có người cưỡng ép rút đi, tất nhiên sẽ quấy nhiễu đến mình trấn giữ ở trung tâm. Giống như lúc trước “tiên sinh kể chuyện” ra tay hai lần một sáng một tối, đều không thoát khỏi sự chú ý từ xa của vị thầy giáo dạy học này.
Tự mình đưa Triệu Dao từ trường học đến nhà lớn Triệu gia ở đường Phúc Lộc, nho sĩ trung niên chậm rãi bước đi. Mỗi khi ông ta bước ra một bước, trong nhà cao cửa lớn san sát hai bên đường, tại một số nơi ẩn khuất sẽ có ánh sáng lấp lánh không dễ phát giác lóe lên rồi biến mất.
Tề Tĩnh Xuân thì thầm:
– Lạ thật, tiểu nha đầu từ đâu đến? Chẳng lẽ là đệ tử tiên gia bên ngoài bản châu?
Sau khi ông ta trở lại trường học thì ngồi trước bàn dài. Trên bàn có đặt một món ngọc khuê (3) dài khoảng một thước hai tấc, bốn góc điêu khắc bốn ngọn núi trấn (4), ngụ ý bốn phương an bình, mặt chính khắc chữ tiểu triện (5) dày đặc, không dưới trăm chữ.
Theo lễ chế Nho giáo, chỉ vua một nước mới có thể cầm trấn khuê.
Đủ thấy ý nghĩa quan trọng của trấn nhỏ này.
Lật nó qua, mặt sau ngọc khuê chỉ khắc hai chữ ít ỏi.
Nét chữ quy củ chặt chẽ, phong thái thần tình có một không hai.
Nét bút cực khỏe, tinh thần cực dài.
Trên bàn còn có một lá thư bí mật vừa gởi đến không lâu.
Nho sĩ tóc mai trắng như sương vành mắt ửng đỏ:
– Tiên sinh, học trò vô năng, chỉ có thể trơ mắt nhìn người chịu nhục đến bây giờ…
Nho sĩ nhìn ra ngoài cửa sổ, cũng không có quá nhiều buồn vui, chỉ là thần sắc hơi tịch mịch:
– Tề Tĩnh Xuân thẹn với ân sư, sống tạm trăm năm, chỉ thiếu chết đi.
– ——–
Khi Tống Tập Tân từ trong phòng lấy một món đồ ra đặt lên bàn, Phù Nam Hoa dù che đậy thế nào cũng không giấu được vẻ mừng rỡ trên mặt.
Một chiếc hồ lô nhỏ không nổi bật, dưới đáy có ghi chữ “Sơn Tiêu”.
Hai tay Tống Tập Tân chồng lên nhau đặt trên mặt bàn, thân thể nghiêng về phía trước, cười híp mắt hỏi:
– Cái hồ lô này giá bao nhiêu?
Thiếu chủ Thành Lão Long khó khăn dời ánh mắt khỏi chiếc hồ lô nhỏ, ngẩng đầu thẳng thắn nói:
– Bán ở vương triều thế tục thì không đáng một lượng bạc, nhưng nếu giao cho ta bán thì có thể mua về một thành trì.
Tống Tập Tân hỏi:
– Mấy vạn người?
Phù Nam Hoa giơ ba ngón tay ra.
Tống Tập Tân ồ lên, bĩu môi:
– Hóa ra là ba mươi vạn.
Phù Nam Hoa ngẩn người, cười thoải mái.
Hắn vốn cho là Tống Tập Tân sẽ nói ba vạn người.
– ——–
Nơi ngõ Hạnh Hoa bên kia có một người đàn ông hiền lành ngồi xổm bên cạnh giếng Thiết Tỏa, nhìn chăm chú vào sợi xích sắt gắn chặt vào bệ ròng rọc.
Giống như đang xoắn xuýt làm thế nào mang nó đi.
– ——–
Thiếu nữ áo đen đội nón che mặt, khí chất lạnh lùng đang tùy ý đi lại trong trấn nhỏ, không hề có mục đích. Lúc này nàng chỉ mang theo thanh đao hẹp vỏ xanh lá, hai tay dùng vải băng bó qua loa mà thôi.
Khi nàng vừa đi vào một con ngõ không biết tên.
Một tiếng “vù” vang lên, một vật xé gió bay đến, sau đó ngoan ngoãn dừng lại sau người thiếu nữ, kêu lên ong ong.
Thiếu nữ nhíu mày, cũng không xoay đầu, từ trong kẽ răng thốt ra một chữ:
– Cút!
Lại là một tiếng “vù”.
Thanh “phi kiếm” rời khỏi vỏ lướt đến, bị dọa đến mức thật sự trốn về vỏ kiếm.
Thiếu nữ kiêu ngạo.
Phi kiếm khôn ngoan.
– ——–
Chú thích:
(1) Cốc Vũ: Một trong 24 tiết của năm, vào khoảng 19, 20 hay 21 tháng 4.
Trùng Dương: Ngày tết 9/9 âm lịch, ngày xưa người ta cho rằng số 9 là số dương nên gọi là “Trùng Dương”.
(2) Chữ khải (khải thư hay chính thư) là kiểu chữ chính thức, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc nhất và vẫn là phổ thông nhất trong các kiểu viết chữ Hán hiện nay.
Chữ hành (hành thư) là dạng viết nhanh của chữ khải, được dùng trong các giấy tờ thân mật (như thư từ) và đề tranh.
https://nguyenhaionline.com/wp-content/uploads/2016/10/5-kieu-chu-han-thong-dung.png
(3) Ngọc khuê: tên một món đồ ngọc thời xưa, có hình dài, trên nhọn dưới vuông, thường được dùng trong nghi lễ của vua chúa, chư hầu thăm viếng, tế tự, mai táng. Hình dạng và kích thước tùy thuộc vào tước vị và nơi sử dụng, chia làm đại khuê, trấn khuê, hoàn khuê, tín khuê, cung khuê, cốc bích, bồ bích, tứ khuê, lỏa khuê.
(4) Tứ trấn: bao gồm Hội Kê sơn ở Việt châu, Nghi sơn ở Lâm Cù, Lư sơn ở U Châu, Hoắc sơn ở Ký Châu, thời xưa gọi những núi này là “trấn sơn”.
(5) Tiểu triện hay Tần triện là lối chữ phát triển từ Đại triện, ra đời từ khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất sáu nước và đề ra chính sách thống nhất văn tự. Đây có thể coi là kiểu chữ thống nhất đầu tiên của Trung Quốc, do đó, khi nhắc đến triện thư thường là đề cập đến tiểu triện nhiều hơn.